top of page

Cuộc chiến giữa ngư dân Việt Nam và hội kín KKK báo hiệu kiểu chủ nghĩa Da Trắng Thượng Đẳng mới

Hội kín KKK đã mang đến sự hỗ trợ về mặt quân sự cho người đánh bắt tôm ở tiểu bang Texas


KKK (Ku Klux Klan): là một nhóm thù ghét của những người Mỹ da trắng, có mục tiêu đầu tiên là người Mỹ gốc Phi. Ku Klux Klan đã tồn tại ở ba thời kỳ khác nhau tại các thời điểm khác nhau trong lịch sử Hoa Kỳ (lần 1: 1865-1871, lần 2: 1915-1944, lần 3: 1946-nay). Mỗi giai đoạn của tổ chức này đã ủng hộ các lập trường phản động cực đoan như chủ nghĩa dân tộc trắng, chống dân nhập cư và đặc biệt là trong các lần lặp lại sau này - Chủ nghĩa Bắc Âu và chủ nghĩa chống Công giáo.

Tìm hiểu thêm về hội KKK tại đây.


Laura Smith, ngày 6 tháng 11 năm 2017


Thủ lĩnh KKK tại Texas, ông Louis Beam, đặt đuốc thiêu cháy chiếc tàu có ghi chữ “USS Viet-Cong” tại buổi mít-tinh ủng hộ ngư dân da trắng vịnh Texas tại thành phố Santa Fe, bang Texas ngày 14 tháng 2 năm 1981. Hình: AP/Ed Kolenovsky


Đó là vào mùa đánh bắt tôm ở tiểu bang Texas, và mọi thứ dần chuyển biến theo chiều hướng xấu. Vào thời điểm những năm cuối 1970 và đầu những năm 80, một nhóm người Việt Nam tị nạn đã chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quê hương, và được tái định cư hợp pháp ở khu vực vịnh Galveston. Để bắt đầu cuộc sống mới, rất nhiều người đã chọn đi đánh tôm bắt cá. Họ đánh bắt nhiều đến độ khiến những cư dân địa phương, những người xem họ như đối thủ cạnh tranh trên mặt nước, phải hoảng hốt.


“Ai đó sẽ phải phá sản,” tiếp theo đó là lời giải thích được đưa ra bởi một tay Da Trắng “tai to mặt lớn" trong ngành ngư nghiệp, “bởi vì họ sẽ không thể kiếm sống được nữa. Chỉ có một lượng tôm nhất định để đánh bắt trong vịnh đó cho nên càng nhiều người đánh bắt tôm ngoài kia thì càng ít sản lượng tôm mà mỗi thuyền có thể thu hoạch được.”


Tình trạng căng thẳng lên cao trào vào năm 1979, khi mà cuộc ẩu đả xảy ra giữa ngư dân Việt Nam và ngư dân người Da Trắng. Trong lúc cuộc ẩu đả đang xảy ra, một người đánh bắt cua Da Trắng đã bị bắn chết. Vài giờ sau, những chiếc tàu đánh bắt của người Việt Nam đã bị phóng hoả; chưa dừng lại ở đó, một vựa cua có nhiều người Việt Nam đang làm việc trở thành mục tiêu đánh bom. Hai người đàn ông Việt Nam bị cáo buộc đã nổ súng trong vụ ẩu đả được tha bổng với lý do tự vệ một vài tháng sau đó. Cha của người đánh bắt cua bị bắn chết đã nói, “Miễn là còn 1 tên ‘mọi vàng’ ở trong thị trấn ngư nghiệp ở vùng Vịnh duyên hải Mexico (Gulf Coast) này, thì sẽ còn vấn đề. Sẽ có chiến tranh.” Ông ta đã đúng về chuyện chiến tranh.


Sự việc xảy đã thu hút sự chú ý của nhóm môn đồ - Texas Knight (nhóm người này tự xưng là hiệp sĩ) - của hội kín Ku Klux Klan. Năm 1981, họ đã đi xuống vịnh Galveston cùng mục đích thủ tiêu nhóm người Việt Nam một lần triệt để.

Lúc bấy giờ, trong chính chủ nghĩa cực đoan của người Da Trắng đang rục rịch sự thay đổi, và phần lớn sự thay đổi có liên quan đến các cựu chiến binh. Ở những vùng hẻo lánh và cô lập của tiểu bang Texas, những thành viên của hội KKK - một số họ là lính từng đi đánh ở Việt Nam, xuất ngũ với sự căm thù cộng sản Việt Nam - đã bị quân đội ảnh hưởng đến mức quân phiệt hoá cao độ, sử dụng những chiến thuật sử dụng trong chiến tranh mà họ đã học ở Việt Nam hòng tiến hành chiến tranh ở quê nhà. Người Việt Nam ở Galveston là người tị nạn đã được nhập cư đến Hoa Kỳ và là một phần của kế hoạch tái nhập cư, nhưng đối với hội KKK, họ là những kẻ thù cộng sản. “Tôi cam kết với họ trận này tại đây sẽ lớn hơn so với trận đánh với Việt Cộng,.” Louis Beam, thủ lĩnh nhóm KKK tại Texas, người mà sau này trở thành và được nhắc tới với tư cách kẻ da trắng thượng đẳng nổi bật nhất ở nước Mỹ, cho biết.

Louis Beam đã là một lãnh đạo hoạt động tích cực của hội KKK Texas vào những năm 1980. Hình: FBI


Vào lúc cuối những năm 1970, tên Beam này đã bắt đầu huấn luyện những kẻ với tư tưởng Da Trắng thượng đẳng cách dùng lựu đạn và súng trường tập kích tại các trại bí mật gần Houston, dạy “sát thương hàng loạt (commando-style killing)” cho trẻ em nhỏ từ khoảng 8 tuổi. “Chúng tôi không có ý đào tạo ra những con người với mục đích thúc đẩy chiến tranh chủng tộc,” Beam đã khẳng định vào năm 1980, tuy nhiên, thêm vào đó, “Âu cũng là thực tế, điều đó có thể xảy ra.” Vào thời điểm đó, Beam đã liên quan đến hai vụ đánh bom, và vào năm 1979, ông ta đã thử cố hành hung Phó Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình tại một khách sạn ở Texas.


Vào tháng 2 năm 1981, Beam đã dẫn đầu một cuộc mít-tinh của KKK ở khu vực vịnh Galveston, áp dụng chiêu này nhằm kích thích sự giận dữ đã trở nên quen thuộc ngày nay: sự suy đồi trong nhân cách, sự phẫn nộ của tầng lớp lao động bị thờ ơ, và mối đe dọa đem đến bởi những người di dân đối với sự ổn định việc làm của “những người Mỹ thực thụ.” Ông ta đã thề trước đám đông trên dưới 250 người rằng nếu những ngư dân Việt Nam không rời đi trước ngày 15 tháng 5, thì hội KKK sẽ tự đi giải quyết mối đe dọa này. Những người bảo vệ hội; những người đã bỏ đi bộ áo choàng trắng mọi lần và lựa chọn nón lưỡi trai màu đen cùng với áo để ra vẻ “chiến binh" hơn. Họ đứng xung quanh, vác trên tay súng trường tự nạp và súng săn.


Hai ngày sau khi tên thủ lĩnh Beam bắt đầu thực hiện các khóa huấn luyện về “làm thế nào để đốt cháy thuyền đánh bắt tôm,” hai chiếc thuyền đánh bắt tôm của người Việt Nam đã bị thiêu cháy. Những kẻ phóng hỏa chưa bao giờ bị tìm thấy và bắt giữ. Một người dân thậm chí còn xiên một trái dừa được chạm khắc cho giống với đầu người với lá cờ chiến trận của Liên minh miền Nam thời nội chiến (cờ Confederate) trên sân nhà mình. Vào tháng Tư, một ngư dân Da Trắng đã di chuyển thuyền của mình tới sát bên cạnh hai ngư dân Việt Nam, chĩa súng lục vào họ trong vài giây, khiến họ căng thẳng trong vài giây rồi bỏ đi. Những cây Thánh Giá bị đốt ở trong sân nhà của người Việt Nam khiến cho một số gia đình đã phải rao bán nhà vì sợ hãi. Những người khác rao bán tàu thuyền đánh bắt của họ, nhưng không ai muốn mua.


Vào ngày 15 tháng 3, một chiếc thuyền đánh bắt tôm lái bởi những người có mang theo vũ khí và đội mũ trùm đầu - những môn đồ của hội kín KKK, hay còn gọi là Klansmen - đi tuần trên vùng vịnh biển Galveston, liên tục đánh thuyền vòng quanh những chiếc thuyền của ngư dân Việt Nam và cập lại gần đầu thuyền của gia đình Hiệp hội Ngư dân Việt Nam. Trên khoang tàu có hình nộm người bị treo trên giàn và có thể nhìn thấy được có thêm một khẩu pháo nhỏ.

Klansmen du ngoạn vịnh Galveston trong một màn trình diễn đe dọa ngư dân Việt Nam. Hình: Southern Poverty Law Center


Không lâu sau sự việc đó, tên thủ lĩnh Beam và các môn đồ khác của hội kín KKK đã tổ chức một buổi tập trung với tư cách là một buổi gặp gỡ thông thường nhằm mục đích trục lợi từ những ngư dân Da Trắng. Hôm đấy trời mưa lớn—làm dập tắt hy vọng của việc đốt Thánh Giá [1]—và đám đông cũng dần thưa thớt đến còn khoảng 30 người.


Trong những lần trả lời phỏng vấn tại sự kiện hôm ấy, ông ta tự cho rằng bản thân là “người dung hoà có tầm ảnh hưởng", là một người môi giới trong quyết định thỏa thuận giữa ngư dân người Việt Nam và ngư dân người Da Trắng. Ông ta nói mình không phân biệt chủng tộc, nhưng là “một người thân tín của người Da Trắng có những khiếu nại hợp pháp.” Đương nhiên, ông ta vẫn đuổi người phóng viên của một đài truyền hình địa phương người Mỹ gốc Mexico; “Buổi họp mặt này dành cho những Kitô hữu Da Trắng,” hắn ta đưa ra lý do, “Chúng tôi không việc gì phải chịu đựng việc những đài phát thanh truyền hình phái đến những phóng viên Da Đen và người Mễ tới đây để gặp mặt và phỏng vấn tôi.”


Mặc dù thị trưởng của Kemah, một thị trấn nhỏ ven biển nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống, đã thông báo về việc điều tra ra những trường hợp người dân nơi đây bị các môn đồ hội kín KKK “gây rắc rối,” ông nói, “Tôi không có lý do gì để tin rằng sự an toàn của họ [người tị nạn Việt Nam] đang bi đe doạ.”


Ngư dân người Việt Nam không đồng ý với hành động của ông Kemah.


Nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm Luật dành cho người nghèo ở phía Nam (The Southern Poverty Law Center), một nhóm ngư dân đã đệ đơn kiện những môn đồ của hội kín KKK. Tại phiên điều trần trước phiên tòa, tên thủ lĩnh hội kín, Beam, người mặc áo choàng trắng truyền thống của hội kín KKK ra tòa, đã tuyên bố: “Tôi bị buộc tội vì tình yêu đối với đất nước này.” Đi cùng với ông đến phiên toà là một tên phát xít tự xưng, người đã chụp ảnh đe dọa người Việt Nam và cố vấn của họ.


Trong phiên tòa, Beam bị nghi là đang giấu một khẩu súng lục ổ quay bằng ngà dưới áo choàng của ông ta. Morris Dees, người sáng lập Trung tâm Luật dành cho người nghèo ở phía Nam, cũng là người luật sư nguyên đơn trong vụ kiện của các ngư dân Việt Nam, yêu cầu ông công bố khẩu súng. Beam phản ứng, “Không một người nào, kể cả luật sư của tôi sẽ lục soát tôi.” Tại một thời điểm trong phiên tòa, ông gọi Morris Dees là một “tên Do Thái chống chúa” [2] và cầm cuốn kinh thánh và cây Thánh Giá đưa lên khoảng không để trừ tà cho Dees. Sau đó Beam đưa ra lời thách thức Dees dám “đấu tay đôi đến chết… Chỉ tao và mày.” [trích nguyên văn]


Tại phiên tòa, một đoạn video được trình chiếu đã cho thấy Beam, trong bộ quân phục, đang hướng dẫn học viên của mình. “Tuyệt đối tiêu diệt toàn bộ,” Ông ta hét vào "những quân nhân bé nhỏ". “Tối đa sát thương, tối đa vũ lực, tối thiểu thời gian. Rồi chúng (người Việt Nam) chỉ còn có thể làm duy nhất 1 thứ - chết.”


Thẩm phán đã ra phán quyết kết thúc sự quấy rối của hội kín KKK. Phán quyết thứ hai để giải tán nhóm bán quân sự của tên Beam, và đóng cửa 5 trại huấn luyện. Phe ngư dân đã thắng kiện, tuy nhiên nhiều người trong số họ do trải qua các biến cố, đã đánh mất đi cảm giác sự an toàn cũng như không còn cảm giác muốn tiếp tục cố gắng tìm kế sinh nhai.


Bốn năm sau, Louis Malle -- trong tất cả mọi người -- đã đạo diễn một bộ phim về cuộc đối đầu giữa người Việt Nam và người Mỹ Da Trắng, với Ed Harris vào vai nhân vật chính chính diện -- một cựu binh trở về từ Việt Nam, vượt qua mối đe dọa cuộc sống của mình bị bởi những người di dân.

Ngư dân Việt Nam tiếp tục đánh bắt tôm—và trở nên phát đạt—ở vùng biển ngoài khơi bang Texas. Hình: Ted Thai/The Life Picture Collection via Getty Images


Về lâu dài sau sự kiện bị quấy rối bởi người Da Trắng và đạt thắng lợi, người Việt không còn bế tắc, họ cùng công việc bắt đầu khởi sắc. “Chúng tôi thích thời tiết ở đây, chúng tôi thích việc ra khơi đánh bắt tôm, chúng tôi thích và đang cố gắng để có được cơ hội để bắt đầu công việc kinh doanh của chính mình,” một người nói với thời báo The Washington Post năm 1984. Thời báo The Washington Post đã gọi câu chuyện này là “một bản anh hùng ca kinh điển của di trú dân đến đất nước Mỹ. Sau khi đặt chân đến đất nước này, họ chịu đựng sự vất vả, họ hy sinh, họ vượt qua sự thù hằn và bạo lực chống đối họ, và cuối cùng giành được thắng lợi.”

Nhưng đây chính xác là nỗi lo sợ mà Beam đã vũ trang hóa: người Da Trắng đã thua cuộc. Đến năm 1984, một ngư dân báo cáo rằng trong 150 chiếc thuyền neo đậu tại bến, có khoảng 25 chiếc là của người Mỹ. “Hãy đối mặt với nó,” anh nói, “họ đã quét sạch chúng tôi khỏi nghề đánh bắt tôm.”


Đáng lo ngại nhất, sự kiện trên đã báo hiệu sự biến đổi trong phong trào Da Trắng thượng đẳng nâng tầm thành việc hành xử sử dụng bạo lực được huấn luyện kỹ càng và chuyên sâu. Beam cùng các trại huấn luyện của ông ta về sau lại tiếp tục có liên quan đến một số hành vi bạo lực cực đoan, làm dấy lên sự quan ngại sự ra đời và phát triển ngấm ngầm một kiểu Da Trắng thượng đẳng mới tại các điểm nóng trên khắp đất nước. Chiến dịch và những sự kiện diễn ra tại vùng vịnh Galveston chỉ là những chương sách đầu tiên trong câu chuyện của kể bởi ông Beam về sự thù ghét.


Để có cái nhìn thấu đáo cũng như bao quát hơn về lịch sử chủ nghĩa Da Trắng thượng đẳng ở đất nước Hoa Kỳ, hãy ghé thăm bộ lưu trữ các tin tức và câu chuyện của tờ Timeline về Khủng bố Da Trắng ở Hoa Kỳ. (White Terror U.S.A.)


Translation by Tegan Tran and Duy Minh

Copy edits by Helen Nguyễn


**Chú thích**

[1] đốt Thánh Giá: Cross Burning, đây là một hình thức được áp dụng bởi hội Klu Klux Klan vào đầu thế kỷ 20, nhằm đe dọa người Mỹ gốc Phi châu và người Do Thái.

[2] tên Do Thái chống chúa: antiChrist Jewish, có nhiều thuyết được trích dẫn từ Kinh Thánh rằng người phản Kitô giáo hay kẻ chống chúa có nguồn gốc từ người Do Thái.

Comentarios


bottom of page