Translated from The New Yorker's article America Ruined My Name for Me By Beth Nguyen, on 01-04-2021, 01:00:00
Nên tôi đã chọn một cái tên mới. Tôi không thể tách biệt cái tên Bích khỏi những người đã cười cợt tôi, gọi tôi là con đĩ (bitch - ND), thông báo rằng chính tôi là thứ gây cười trong trò đùa mang chính tên tôi. Đừng bao giờ thay tên đổi danh, mọi người vẫn hoài bảo tôi. Có người còn quả quyết họ thích tên tôi: Bich, một cái tên đậm chất Việt Nam, được đặt cho tôi tại Sài Gòn, nơi tôi sinh ra và nơi mà cái tên này là vô cùng bình thường. Khi đặt tên tôi, gia đình tôi hề hay biết tám tháng sau, chúng tôi sẽ hoá người tị nạn, và rằng tôi sẽ trưởng thành tại phía tây Michigan những năm 1980, một nơi bảo thủ và đông người da trắng với nhiều bạn nữ mang tên Jennifer, Amy, và Stacy. Một cái tên như Bích (phát âm “Bic”) không chỉ khiến tôi nổi bật - nó khiến sự tồn tại của tôi lộ liễu đến khốn đốn. “Tên bạn là gì cơ?”, người ta thường hỏi. “Đánh vần như thế nào?” Thỉnh thoảng họ còn cười thẳng vào mặt tôi. “Chắc bạn cũng biết tên bạn nhìn giống từ gì ha? Ba mẹ thực sự đặt tên bạn vậy luôn?” Tôi vẫn luôn ghen tị với mấy đứa trẻ gốc Á khác khi bố mẹ cho phép chúng đổi tên hoặc có một cái tên “Mỹ” riêng. Phước ở nhà có thể thành Phil ở trường. Nhưng bố mẹ tôi nhất quyết không cho tôi đổi tên. Họ bảo tôi phải tự hào về con người mình, và họ không hề sai, nhưng cơn giận dữ của họ khiến tôi nhận ra tôi nên giữ riêng những mối lo âu này. Tôi không muốn chối bỏ văn hoá Việt Nam của gia đình, không muốn thay thế nó bằng những lời hứa hẹn trên quảng cáo TV. Và thế là tôi đành sống chung với Bích, hay cũng có thể nói là để mặc nó song hành cùng tôi. Ký ức đầu tiên về trường lớp của tôi là giờ điểm danh đầy căng thẳng, khi tôi chầu chực tự giác giơ tay trước khi giáo viên kịp thử phát âm tên tôi. Những giáo viên tốt bụng nhất là những ai thẳng thắn nhờ tôi dạy họ đọc tên - trong các tiết học mà hầu hết học sinh đều là người da trắng, không khó để tìm người có tên Bích. Tôi, vốn là một đứa trẻ rụt rè, giờ lại càng rụt rè hơn; tôi tránh gặp mặt người ta chỉ để tránh phải nói tên mình ra. Và tôi thấy hổ thẹn rằng bản thân không đủ kiên cường để có thể cáng đáng nỗi hổ thẹn trước ánh nhìn Mỹ. Tên gọi vừa riêng tư vô ngần, lại vừa công khai khôn kể. Chúng ta phải nhìn tên mình mọi lúc mọi nơi. Trên mỗi tờ đơn, trên từng bài viết, trên mọi email. [Dòng chữ] “Tên bạn viết tại đây” mở đầu tất cả bài tập ở trường tiểu học. Những đứa trẻ khác sẽ trang trí tên chúng bằng những ngôi sao và trái tim; chúng sẽ cố làm cho tên mình to hơn hết thảy tên các bạn khác. Ngắm nhìn cái tên của chính mình làm chúng khoái chí và thỏa mãn. Tôi chưa từng có được niềm vui thích này, dù chỉ một lần. Dù khi tôi được xuất bản. Với tôi, tên mình vẫn luôn là một lời nhạo báng. Tôi luôn cố gắng không phải nhìn thấy nó. Từ bích có ý chỉ một loại ngọc thạch. Lớn lên, tôi học được rằng, các bé gái Việt Nam có truyền thống đeo vòng ngọc cho tới khi trưởng thành để vòng ngọc vĩnh viễn ôm chặt lấy cổ tay không tháo ra được. Viên đá có ý nghĩa bảo vệ, chữa lành - ngọc càng xanh càng hiệu nghiệm. Ở một đất nước khác, trong một kiếp sống khác, cái tên cha sinh mẹ đẻ của tôi nó cũng sẽ mỹ miều như vậy. Thực ra, tôi không bao giờ đeo được cái vòng tay nào được lâu. Thực ra, hầu hết những người tỏ ý yêu thích tên tôi, hay những người đã phẫn nộ và kinh hãi với đề xuất đổi tên, đều là phụ nữ da trắng. Chính họ đã khen tên tôi tuyệt, hay, độc, phản ánh đúng bản thân tôi, là một phần quan trọng đối với cội nguồn và bản sắc văn hoá của tôi. Họ nói rằng họ thích tên tôi, rằng họ sẽ rất đau lòng nếu tôi đổi tên. Họ không hề nói rằng họ muốn đặt cho chính mình cái tên này. Tôi từng muốn tin họ; rất lâu rồi, tôi đã từng chọn tin họ. Nhưng tôi cũng đã biết, họ chỉ thích thú với cái ngoại lai khi họ không phải chịu những rắc rối của nó. Họ mê mẩn khái niệm ngoại lai, chẳng buồn nghĩ xem sự ngoại lai kia sẽ mang lại lợi ích gì cho người quyết định thế nào là ngoại lai. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi liệu họ có đang thích thú cái việc tội nghiệp cho tôi luôn không. Tôi đã cố sống trong cái tên Bích. Tôi từng bỏ thêm dấu sắc vào chữ “i” nhằm biểu hiện cách đánh vần chính xác. Thanh âm này lưng chừng ở giữa mức độ lên giọng cuối câu hỏi và câu cảm thán trong tiếng Anh. Nhưng làm sao để tôi thoát khỏi ánh nhìn Mỹ? Trong lịch sử cá nhân của tôi, cái tên này ngập chìm trong tủi nhục, bởi trải nghiệm sinh sống tại Hoa Kỳ với tư cách là người tị nạn, có cha mẹ là người tị nạn vốn dĩ ngập chìm tủi nhục. Nước Mỹ đảm bảo tôi phải hiểu lấy điều này, cảm nhận lấy điều này, ngay từ khoảnh khắc tôi bắt đầu biết nhận thức. Tôi không thể tách biệt cái tên Bích khỏi thời thơ ấu của mình, khỏi việc người khác đã cười cợt tôi, gọi tôi là con đĩ (bitch), thông báo rằng chính tôi là thứ gây cười trong trò đùa mang chính tên tôi, quá ngu ngốc hoặc quá sợ sệt để làm gì khác ngoài chịu đựng. Khi nhìn những ký tự đánh vần nên chữ Bích, tôi thấy một phiên bản cá nhân mà tôi phải dựng nên, để bảo vệ bản thân khỏi sang chấn. Ngay cả lúc này đây, tay đang gõ trên bàn phím, tôi vẫn muốn quay mặt đi. Nước Mỹ đã khiến tôi thấy hổ thẹn về cái tên Bích, và tôi đã cho phép nó làm thế. Tôi không thể viết về tên mình mà không viết về nạn phân biệt chủng tộc, và tôi không thể viết về nạn phân biệt chủng tộc mà không viết về bạo lực. Tôi nhớ ngày xưa còn bé và nghe ba tôi cùng chú bác thì thầm với nhau vụ án mạng Vincent Chin tại Detroit, năm 1982. Ngày nay tôi trò chuyện với các con về vụ thảm sát sáu người phụ nữ gốc Á tại Atlanta. Tôi dạy con học về thực dân hoá, chủ nghĩa Đông phương, và các đạo luật di cư bài xích người châu Á. Về những lúc người châu Á hay người Mỹ gốc Á bị đối đãi như vô hình, ngoại trừ những lúc làm đối tượng tiêu khiển hay làm hình mẫu giáo dục - hòng gieo rắc nỗi sợ, tăng cường sự phục tùng, đồng thời bồi thêm tính phân biệt chủng tộc nhắm vào người da đen, người Mỹ Latin, và người dân tộc bản địa. Dĩ nhiên là các con tôi đều lo sợ. Chúng tôi đã lo sợ nhiều năm rồi. Ngày nay, chúng tôi thêm phần cảnh giác mỗi khi ra đường. Vậy mà, cả đời tôi, nước Mỹ cứ đổ lỗi do tôi phản ứng thái quá. Rằng cười cợt tên người gốc Á vẫn được chấp nhận. Rằng chế nhạo người châu Á - những kẻ ngoại quốc nhìn y chang nhau với giọng tiếng Anh lơ lớ khôi hài kệch cỡm - vẫn được chấp nhận. Tôi biết chuyện này vẫn được chấp nhận, bởi nó cứ tiếp tục diễn ra, trên truyền thông và trong cuộc sống hàng ngày. Và, khi nó xảy ra, và người gốc Á tỏ ý phẫn nộ, họ liền bị phủ đầu với “sao bọn mày nhạy cảm quá vậy; chỉ giỡn vui thôi mà.“ Tôi hiểu rồi - lời nói đùa vẫn quan trọng hơn giá trị nhân sinh của chúng tôi. Cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản dưới tên khai sinh của tôi vì đó là một cuốn hồi ký và tôi nghĩ việc xuất bản một thứ đúng với tên của mình là điều phải làm. (Dù sao thì tôi cũng không nghĩ được một cái tên nào khác vào lúc đó.) Sau đó, tôi được cho biết rằng tác giả không nên thay đổi tên của họ sau khi xuất bản. Tất nhiên, T. C. Boyle, người từng xuất bản với tên T. Coraghessan Boyle, có thể thoát khỏi điều đó, nhưng một người như tôi thì không. Có một lần, trong một bữa tiệc văn học, tôi tình cờ nghe một nhà văn khác cười nhạo tên tôi. Cô ấy không biết rằng tôi đang đứng ngay đó, lắng nghe, khi cô ấy nói với người khác, "Cậu tin được rằng có người tên như vậy không?" Liệu cô ấy có nhớ không, khoảnh khắc mà tôi không thể quên, và đã giữ kín trong nhiều năm ấy. Cuốn sách thứ hai của tôi được xuất bản được đánh giá trên tờ Times cùng với một vài cuốn sách khác với tiêu đề phụ “Quốc tế.” Cuốn sách của tôi không phải tác phẩm quốc tế. Nó là một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở miền Trung Tây nước Mỹ, do một nhà xuất bản lớn của Mỹ phát hành. Điều có vẻ quốc tế nhất về cuốn sách là tên tác giả: Bich Minh Nguyen. Nguyễn, vì đây là tên họ phổ biến nhất của Việt Nam, đã chuyển từ một cái tên nước ngoài đáng nghi và không thể phát âm thành một cái tên khác biệt nhưng có thể chấp nhận được và chỉ hơi khó phát âm ở Mỹ. Tên Bích vẫn đang chờ sự phát triển này. Đổi tên bây giờ sẽ là một hành động có chiến lược, an toàn, chăm sóc bản thân, hay tự bán rẻ bản thân? Tôi đã cố gắng suy nghĩ về điều này, cố gắng viết ra điều này trong nhiều năm. Những gì tôi biết là khi lớn lên với cái tên Bích tại một thị trấn chủ yếu là người da trắng vào những năm 80 có cảm giác như đang liên tục trượt một bài kiểm tra. Đó là một nghịch lý: những người khiến tôi không thoải mái với cái tên cha sinh mẹ đẻ của mình cũng nghĩ rằng tôi đang phản bội dòng máu của mình nếu đổi tên. Điều tôi luôn muốn là điều tôi không thể có được: trở nên không tên, không còn bị dòm ngó. Tôi luôn lấy tên giả tại các nhà hàng, thường là Rose, Sophia hoặc Beatrice. Một ngày nọ, cách đây vài năm, tại tiệm ăn Shake Shack ở Công viên Quảng trường Madison, một người phụ nữ đứng sau quầy lấy đơn đặt của tôi và hỏi câu hỏi đáng sợ về tên của tôi, và tôi trả lời, "Beth." Cô ấy gật đầu. Cô ấy không nghi ngờ câu trả lời của tôi. Và, trong khoảnh khắc đó, cảm giác như thật: Tôi không chỉ nói tôi là Beth — tôi chính là Beth. Vì vậy, tôi bắt đầu dùng tên đó nhiều hơn. Đối với nhân viên bán hàng. Với người trông trẻ, thợ điện, người quen mới, đồng nghiệp mới. Tôi gọi tôi là Beth, với một niềm vui nho nhỏ, như luồng khí mát phả ra từ tủ lạnh trong một ngày nắng nóng. Như một danh tính bí mật. Như một cuộc sống khác. Beth là một thí nghiệm xã hội, một giả thuyết rằng cuộc sống ở Mỹ dễ dàng hơn với một cái tên mà không ai gọi sai bao giờ. Và đó là sự thật. Người ta xem tôi là người châu Á ít hơn và người Mỹ nhiều hơn với cái tên Beth. Trải qua sự khác biệt đó, nhìn thoáng qua một chút hiểm họa da vàng đó, thật sâu sắc và đau lòng. Khi tôi là Bích, tôi là người ngoại quốc khiến mọi người bất an. Là Beth, tôi không bao giờ được khen ngợi về trình độ tiếng Anh của mình. Những người bạn thân nhất của tôi đã tự động chấp nhận cái tên này. Những người thì khác tỏ ra ngạc nhiên và không bằng lòng. Một số người khác cho tôi biết rằng dù gì họ vẫn sẽ tiếp tục gọi tôi bằng tên khai sinh của tôi. Tôi một phần hiểu điều này. Nhưng, nếu một người từ chối chấp nhận tên đã chọn của một người khác, chẳng phải họ cũng đang từ chối chấp nhận người đó là ai hay điều họ đã tự quyết định cho bản thân? Tôi không đổi là Beth để làm cho cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn; tôi là Beth để làm cho cuộc sống của tôi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vì tôi chưa đến mức thay đổi tên mình về mặt pháp lý, tôi vẫn là Bích trên tất cả các tài liệu của mình. Một lần, tại cửa hàng với một đứa con của tôi, tôi đã phải trình bằng lái xe của mình. Người phụ nữ đứng sau quầy bắt đầu cười. "Đó thực sự là tên của chị à?" cô ấy hỏi. Tôi nghĩ rằng bản thân trước đây của tôi sẽ cười theo để tránh gây khó chịu. Tôi đã quá quen xin lỗi và nói, "Ừ, quả là một cái tên khó khăn." Nhưng con tôi đang ngay cạnh, vì vậy tôi nhìn chằm chằm vào người phụ nữ đó cho đến khi cô ấy cảm thấy khó chịu. Khi chúng tôi rời tiệm, con tôi nói với tôi rằng, “Cô kia đã chế nhạo tên của mẹ. Thật xấu tính." Tôi nghĩ đó là trải nghiệm đầu tiên của nó với vấn đề này. Con trai tôi và anh trai của nó đều có những cái tên đơn giản, dễ hiểu mà ở Mỹ không ai thắc mắc. Gần đây, con tôi đang học về các ngôn ngữ cổ. Chúng đang cố gắng hiểu quy trình phát triển của các từ và các âm. Cách thức mà đôi khi một từ — chẳng hạn, cleave (tách) — trở thành đối lập của chính từ đó, khi cả hai định nghĩa vẫn giữ nguyên ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng chúng đang cố gắng hiểu sự mất mát của một ngôn ngữ khi nó biến thành một thứ khác: Có phải đó luôn luôn là một sự mất mát? Hay cảm giác sẽ luôn là như vậy? Con người có biết rằng ngôn ngữ của họ đang thay đổi từ cổ đại sang hiện đại không? Tôi nói với con tôi rằng có lúc sự thay đổi diễn ra chậm đến mức ta chỉ nhận ra một chút thay đổi tại thời điểm đó. Ngôn ngữ thay đổi xung quanh chúng ta, và chúng ta là một phần của sự thay đổi đó. Cũng như tiếng lóng, như thành ngữ, từ mới, cách phát âm mới. Các từ ngữ không tự chuyển đổi. Chúng ta phải là người chuyển đổi chúng. Đôi khi chúng ta cũng đối lập với chính mình. Vào lúc này, tôi đã chuyển mình sang Beth. Nó làm tôi an lòng vì nó là một cái tên trung tính, không quá nổi bật. Nó không thay đổi quá khứ của tôi, gia đình tôi, cuộc sống tị nạn của chúng tôi ở Hoa Kỳ. Nó có thể không phải là mãi mãi. Nó chỉ giống như một chút không gian, nơi tôi có thể điều khiển cách tôi được nhìn nhận thay vì bị điều khiển. Tôi nhận ra rằng, cả đời tôi, tôi đã chờ đợi sự cho phép nào đó — sự cho phép của chính tôi — để trở thành con người này.
Người dịch: Que Do & Quyen Tran
Biên tập: Ren Dinh
Comments