top of page

Sự trở lại của nền Dân chủ cùng các biện pháp canh tân

Updated: Sep 19, 2020

Làm gì để cứu vãn chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ?


Dịch từ bài The Democratic Renewal, tờ Foreign Affairs


Ben Rhodes, cho tạp chí tháng 9 và 10

Cựu Phó tổng thống Joe Biden cùng người ủng hộ tại South Carolina, tháng 2 năm 2020

Travis Dove / The New York Times / Redux


Nếu trúng cử tổng thống, Joe Biden sẽ thừa hưởng một Hoa Kỳ nay đã rời xa vai trò lãnh đạo của mình trên thế giới và đánh mất vị thế cao về phẩm giá. Ông cũng sẽ tiếp quản một quốc gia tê liệt vì đại dịch đang cố lết mình vượt qua suy thoái kinh tế do coronavirus, ngay khi còn đang mâu thuẫn nội bộ sâu sắc. Thảm cảnh này còn tồi tệ hơn cả khi Barack Obama thừa hưởng một cuộc khủng hoảng tài chính và hai cuộc chiến đang sa lầy. Biden và đội ngũ của mình sẽ phải bằng cách nào đó tái tạo chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và phục hồi định hướng của mình trên trường quốc tế.


Đây không phải việc dễ dàng. Thắng lợi của Biden tháng 11 này sẽ dễ dẫn đến chủ trương phục dựng hình ảnh Hoa Kỳ như một người khổng lồ cao cả thời hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa với sự đánh giá thấp những khó khăn mà nước Mỹ đang gặp phải. Hoa Kỳ đang không chỉ mất vị thế; con tàu quốc gia còn trôi lạc hướng, trong khi cả thế giới đã bỏ nó lại đằng sau. Những lo ngại quốc tế về mức độ tin cậy của Hoa Kỳ không đơn giản chỉ đến từ thảm hoạ lãnh đạo của Donald Trump - nó xuất phát từ thực tế là chính người dân Mỹ đã bầu chọn một kẻ như Trump. Khi chứng kiến người Mỹ làm một điều như vậy, giới lãnh đạo và dư luận quốc tế sẽ tự hỏi liệu chuyện này có xảy ra lần nữa, nhất là với sự trung thành của Đảng Cộng hoà cùng với đường lối chính trị dân tộc chủ nghĩa và độc tài của Trump. Với cục diện này, điều cốt yếu Tổng thống Biden phải làm là tìm kiếm cơ hội không phải từ trong quá khứ mà từ chính hiện tại - trong bối cảnh những cuộc khủng hoảng gần đây đảo lộn đời sống trong nước, gieo mầm cho cuộc nổi dậy đáng kinh ngạc sau vụ cảnh sát giết hại George Floyd ở Minneapolis hồi tháng 5.


Sự chuyển động gay gắt chống phân biệt chủng tộc và bất công có hệ thống lần này mang lại cơ hội để gây dựng lại mục đích cho nước Mỹ. Một cơ sở quan trọng để Hoa Kỳ tự xưng là lãnh đạo toàn cầu đến từ quá trình tự tiến bộ và sửa sai trong lịch sử - thực tế rằng Hoa Kỳ là một xã hội đa sắc tộc, đa văn hoá, dựa vào nền dân chủ lập hiến để từng bước loại bỏ hệ thống phân biệt chủng tộc và hiểm họa chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Acheson hiểu rõ điều này khi, vào năm 1952, ông viết thư gửi Tòa án Tối cao trong thời gian xử lý vụ Brown vs. Hội đồng Giáo dục: “Sự tiếp diễn của phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ,” ông viết, “là một nỗi hổ thẹn khôn nguôi đối với chính quyền trong hoạt động ngoại giao thường ngày; điều này đe dọa việc duy trì một cách tốt nhất vai trò dẫn đầu về đạo đức ở thế giới tự do dân chủ.”


Trong khi thế giới đang mất niềm tin vào chính phủ Hoa Kỳ, những cuộc biểu tình trên toàn cầu nhằm ủng hộ phong trào Black Lives Matter (tạm dịch: Nhân quyền cho người Da Đen) đã cho thấy một Hoa Kỳ theo cách mà cả thế giới vẫn muốn nhìn nhận. Biểu tình tại Mỹ đóng góp vào những phong trào vận động lớn trong những năm gần đây: biểu tình chống biến đổi khí hậu, chống bất bình đẳng kinh tế, bảo vệ nền tự chủ và tự do dân sự tại Hồng Kông. Mặc dù có những nhược điểm, nền dân chủ là thể chế duy nhất có thể thay mặt nhân dân hành động để đối phó với những thách thức này. Nếu Biden đắc cử và đội ngũ của ông khai thác được sức mạnh ấy và thể hiện qua những chính sách, sự thất bại của Trump có thể sẽ là bước ngoặt đến với sự hồi sinh nền dân chủ Hoa Kỳ. Hơn nữa, điều này cũng sẽ tạo đà cho làn sóng phục hồi dân chủ toàn cầu, lật đổ những hệ thống bất bình đẳng và hình thành một trật tự thế giới mà ở đó mong muốn của công dân được lắng nghe và hồi đáp.


TRÁNH XA QUY LUẬT BLOB

Nếu đắc cử, Biden nên làm gì để tận dụng cơ hội này? Trước tiên cần phải hình dung rõ ràng những gì nội các Dân chủ mới không nên làm. Sẽ là sai lầm nếu tái diễn những thất bại của chính sách Hoa Kỳ sau vụ 11 tháng 9 để khắc phục những sai lầm nghiêm trọng thời Trump. Đúng, cách tiếp cận của Trump với thế giới là một thảm họa không thể cứu vãn. Những động thái tiêu biểu của ông cho kết quả trái ngược với mục tiêu: Bắc Triều Tiên mở rộng hệ thống vũ khí hạt nhân, Iran duy trì chương trình hạt nhân, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro siết chặt quyền lực, và Trung Quốc vẫn chưa thay đổi chút nào những hành động mà Trump muốn chấm dứt bằng cuộc chiến thương mại. Khẩu hiệu của Trump “Nước Mỹ trên hết” càng làm tăng đà tuột dốc của Hoa Kỳ: niềm tin quốc tế vào nước Mỹ sụp đổ, quan hệ đồng minh dần mai một, trật tự thế giới tự do tan rã, còn Trung Quốc vẫn tiếp tục bành trướng và truyền bá chế độ độc tài công nghệ như một sự thay thế cho tự do dân chủ. Việc thiếu vắng sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đã một cánh cửa sổ nhìn tới sự đảo lộn trật tự thế giới mới, nơi chủ nghĩa dân tộc cực đoan khiến những hành động phối hợp hiệu quả trở nên bất khả thi và mâu thuẫn khó tránh khỏi.


Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn chăm chăm vào những bước đi sai lầm của Trump, ta dễ quên mất những vấn đề cốt lõi cần được kiểm điểm lại trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Một vài thành viên trong giới chức ngoại giao (mà tôi gọi là “the Blob”*), vốn chẳng ưa gì đường hướng chính sách thời Obama, cho rằng sự cẩu thả của Trump là một trong những minh chứng cho thấy sự cần thiết khôi phục lại hình ảnh lực lưỡng của chủ nghĩa biệt lệ kiểu Mỹ. Họ nhiều lần khẳng định rằng Trump đang tiếp nối con đường mà Obama đã đặt ra: kéo Hoa Kỳ ra khỏi những vũng lầy chiến tranh ở nước ngoài, ủng hộ việc chia sẻ gánh nặng với các nước khác, và trải thảm cho sự xuất hiện của các thể chế chính trị khác cùng những thế lực đang lên như Trung Quốc.

(* Chú thích: "The Blob" là biệt danh mà Ben Rhodes, người chấp bút diễn văn cho Tổng thống Obama, dùng để gọi giới chức cấp cao đóng vai trò hoạch định chính sách đối ngoại chính thống của Mỹ.)


Lý luận này lố bịch đến hài hước. Một trong những điểm cốt lõi trong tổ chức chính sách đối ngoại của Trump là dỡ bỏ những thành công quan trọng của thời Obama: Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước hạt nhân với Iran (Kế hoạch Hành động Hợp tác Cụ thể, JCPOA), Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bình thường hóa quan hệ với Cuba, và có lẽ là cả Tân Hiệp ước Giải trừ Quân bị (New START). Không thể coi đây là sự tiếp bước. Quan trọng hơn, cách tư duy này còn làm rắc rối thêm một sự tách biệt cần làm rõ. Obama đã chỉ trích gay gắt chính quyền George W. Bush khi gây chiến tranh với Iraq, quyết sách ngoại giao thảm họa nhất tôi từng chứng kiến, và là quyết sách đã được giới chức ngoại giao ủng hộ rộng rãi. Trump đã đưa ra những ngụy biện đối với thế giới quan của Obama và đồng tình với việc chỉ trích sự can thiệp của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Thế nhưng Obama và Trump kê những liều thuốc khác nhau cho cùng một căn bệnh. Trong thời gian cầm quyền, Obama đã tìm cách lái chính sách ngoại giao sang hướng những thỏa thuận đa phương mới, những khu vực chiến lược nhưng ít được chú ý như Châu Á - Thái Bình Dương, và những vấn đề bị bỏ ngỏ như biến đổi khí hậu và công tác phòng chống đại dịch. Trump chỉ đơn giản là chắp vá chủ nghĩa biệt lập với những phát ngôn chỉ trích gây sốc và sử dụng đều đặn những mỹ từ sáo rỗng lấy từ Fox News.


Những quyết sách tồn tại ngắn ngủi nhất từ thời Obama là những gì hợp với khẩu vị của “the Blob” nhất: gia tăng quân sự ở Afghanistan, một kế hoạch tốn kém nhằm hiện đại hóa hạ tầng vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ, và sự ủng hộ cuộc chiến tranh do Saudi Arabia cầm đầu tại Yemen. Ngược lại, những quyết sách gây tranh cãi nhất thời Obama lại tồn tại lâu hơn cả: đáng chú ý nhất là thỏa thuận hạt nhân Iran mà gần đây đáng tiếc đã được chứng minh là đúng khi những viễn cảnh xấu mà giới phản đối hiệp ước này viện dẫn đã trở thành hiện thực kể từ khi Hoa Kỳ quay lưng dưới thời Trump.


Trump đã pha trộn chủ nghĩa biệt lập với một luồng các lập luận từ chính Fox News.


Trump có thể đã quay lưng với trật tự thế giới tự do (liberal international order), nhưng ông ta cũng đã tuân theo các nguyên lý cốt lõi của chiến thuật sau ngày 9/11 của the Blob. Hoa Kỳ chưa bao giờ liên kết chặt chẽ với Israel, Saudi Arabia, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất như bây giờ. Vào năm 2017, phi cơ Hoa Kỳ đã đáp trả vụ tấn công vũ khí hoá học bằng việc đánh bom một sân bay Syria. Hoa Kỳ chưa bao giờ thù nghịch với Iran như bây giờ. Hoa Kỳ đã gửi thêm 20,000 quân đến Trung Đông từ lúc Trump nhậm chức, khó có thể nói rằng chúng ta đã rút lui khỏi khu vực này. Ngân sách quốc phòng đã được thổi phồng lên thành $700 tỷ đô la. Hoa Kỳ xem như là đã lật đổ các chế độ ở Cuba, Iran và Venezuela. Chính quyền Trump thường xuyên nhúng tay vào kiểu hăm doạ thuần túy mang tính trình diễn mà nhiều cử tri đã đòi hỏi với vai trò tổng thống, vì họ cho rằng Obama không đủ cứng rắn trong việc khẳng định chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ (American exceptionalism).


Nội các Biden không thể khôi phục loạt chính sách lẫn ý tưởng thất bại và “lạc quẻ”. Lấy ví dụ, Washington không có thời gian lẫn nguồn lực chính trị ở nước ngoài để có thể hoang phí tung ra trong năm đầu tiên của một tân nội các, nếu điều đó chỉ nhằm tìm được cách tiếp cận vấn đề Iran để thỏa mãn nghị trình các nước Arab vùng Vịnh vốn đã không ngừng làm suy yếu chương trình nghị sự của vị tổng thống Dân chủ nhiệm kỳ gần đây nhất. Việc Hoa Kỳ đã đứng trên bờ vực của chiến tranh với Iran cùng lúc COVID-19 bắt đầu lan truyền từ Trung Quốc đến cả thế giới cho thấy sự phi lý trong nỗi ám ảnh của Washington với đất nước cộng hoà Hồi giáo này. Trên thực tế nước Mỹ đã trở lại với những lời hứa ban đầu, quay lại với nền tảng Kế hoạch hành động toàn diện (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA) thôi cũng là một thành tích đáng khen rồi. JCPOA phục vụ nhiều lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của Hoa Kỳ với Iran, và có thể cung cấp nền móng cho các khởi xướng ngoại giao mới.


Có một vực thẳm đầy hiểm nguy giữa niềm mong đợi của các cử tri có khả năng sẽ bầu cho Biden, và bản năng của những thành viên kỳ cựu trong bộ máy chính sách ngoại giao. Những người này sẽ đòi hỏi nước Mỹ cần trở lại với vai trò bá chủ toàn cầu. Nếu Biden lắng nghe cử tri thay vì các cư dân hiếu chiến của Đường vành đai (ám chỉ những viên chức chính phủ, nhà vận động hành lang và nhà thầu với nhiều lợi ích riêng), ông có thể ra dấu hiệu chấm dứt cuộc chiến không ngừng nghỉ của nước Mỹ bằng cách bãi bỏ Uỷ quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự 2001, chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ trong thảm họa về cả luân lý và chiến lược ở Yemen, và gỡ thoát khỏi quan hệ hao mòn với Saudi Arabia. Thay vì giúp tạo nên bề ngoài bóng bẩy cho tiến trình “hòa bình” của Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi ông ta đang trong tiến trình sáp nhập đất Palestine, Hoa Kỳ nên công khai đưa ra quan điểm về vị thế cuối cùng cho hai nước và ủng hộ họ trên vũ đài quốc tế và trong mọi nỗ lực hướng về hoà bình. Thay vì lặp đi lặp lại các cuộc tranh luận cũ mòn và nhiều sai lầm của hai thập niên trước đây, chúng ta phải tiến về phía trước.


TÁI THIẾT “THÀNH PHỐ TRÊN NGỌN ĐỒI”

Chính quyền Biden cần đặt ưu tiên vượt trội vào những vấn đề nào? Trước tiên và trên hết sẽ phải là phản ứng với COVID-19. Cần có những bước lập tức để đẩy các biện pháp sức khỏe cộng đồng đối nội lên ngang tầm với các đề nghị khoa học mới nhất. Trên phương diện toàn cầu, Hoa Kỳ có thể chuộc lại thiện chí bằng cách bảo đảm rằng việc phổ biến vaccine tiềm năng sẽ tiến hành một cách nhanh gọn và công bằng, và cũng phải nhấn mạnh rằng bận tâm của các công ty dược về lợi nhuận sẽ không gây ra những trì hoãn không đáng. Dự án đó sẽ gặp nhiều thử thách, bao gồm việc phục hồi chuỗi cung ứng và du lịch toàn cầu. Chính quyền Biden nên chiêu mộ tài năng mới vào chính phủ để đập tan COVID-19, dù nó chỉ là giải pháp tạm thời. Và trong lúc Washington lấp đầy lại những đổ vỡ trong mối quan hệ với các thể chế quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, các nhà lập pháp Hoa Kỳ nên thiết lập một cơ sở hạ tầng y tế mạnh mẽ-- với ngân sách tăng mạnh cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Viện Y tế Quốc gia, các văn phòng hợp tác hải ngoại để theo dõi và phản ứng khi dịch bệnh bùng nổ, và lên kế hoạch đa phương cho các tình huống khác nhau, để có thể áp dụng những bài học của COVID-19 cho các dịch bệnh trong tương lai.


Hành động cần thiết để giải quyết đại dịch hiện tại phải trở thành một phần của sự tái thẩm định rộng lớn hơn về những ưu tiên và vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Người Mỹ phải hiểu rằng không thể còn bất kỳ mâu thuẫn nào giữa các chính sách đối nội và các hành động của đất nước này ở hải ngoại. Dường như không có gì có thể bày tỏ điều tất yếu này rõ ràng hơn việc chính những người đang kêu gọi lệnh trừng phạt cho Trung Quốc vì nó đàn áp các cuộc biểu tình ôn hoà ở Hong Kong, cũng là những người đã hô hào kêu quân đội đến đàn áp người biểu tình ôn hoà ở Washington D.C. Một chính quyền Biden không thể nuông chiều thể loại đạo đức giả này. Trong việc đổi mới vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, một tổng thống Biden phải đặt các hành động đối nội ở mục đầu tiên trong chính sách ngoại giao của ông.


Nỗ lực này bắt buộc phải bắt đầu với chính nền Dân chủ Mỹ, một nền dân chủ đã không còn là mẫu mực như xưa. Một chính quyền Biden phải hành động ngay tức khắc để hoàn thành các cải cách dân chủ thiết yếu ở Hoa Kỳ, bao gồm việc mở rộng và bảo vệ quyền bầu cử, làm việc để kết thúc việc sắp xếp gian lận bản đồ bầu cử (gerrymandering), và thúc đẩy tính minh bạch cũng như giới hạn vài trò của tiền trong chính trị Mỹ. Các cuộc biểu tình Black Lives Matter đã làm nổi bật bất bình đẳng về sắc tộc và sự bức bách trường tồn của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở Mỹ, nhưng nó cũng cho thấy rằng đa phần người Mỹ muốn đối đầu với những bất công trên đất nước của họ. Một chính quyền Biden phải cải cách một bộ máy trị an và tư pháp hình sự vẫn tiếp tục phản ánh nguồn gốc kỳ thị của nó, viết lại luật thuế mà hiện tại đang ban thưởng kẻ giàu trên mồ hôi của những người làm công việc thiết yếu. Biden cần trình bày những biện pháp này như một phần của nỗ lực toàn cầu để khôi phục nền dân chủ trên toàn thế giới--từ Hong Kong đến Hungary, đến khu vực trung tâm nước Mỹ.


Hoa Kỳ không còn là mẫu mực như xưa.

Một chính quyền Biden cũng cần phải tái thiết các mối quan hệ với đồng minh dân chủ trên nền tảng của giá trị chung. Nếu thắng, Biden nên giữ lời hứa triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh cho các nền dân chủ trên toàn thế giới vào năm đầu trong nhiệm kỳ của ông. Cuộc họp phải xác định các cam kết quốc gia để phục hồi năng lực cho các nền dân chủ lâu đời, cùng lúc đó thực hiện lần lượt các biện pháp để truyền cảm hứng cho các thể chế dân chủ và dân quyền ở các nền dân chủ non nớt, hoặc ở cả những chế độ chuyên quyền. Các nước tham dự nên đặt ra các biện pháp phối hợp để khuyến khích chính quyền minh bạch, triệt phá việc trốn thuế, và giúp đỡ các nước đang chuyển giao sang các hệ thống dân chủ hơn. Việc này cần bao gồm các nỗ lực để diệt trừ tham nhũng ở tận gốc rễ. Hơn một tỷ USD tiền mờ ám đã luân chuyển qua các biên giới quốc gia mỗi năm, mang đến vô số tác động tiêu cực, từ các hoạt động mua chuộc ảnh hưởng của Nga đến tham nhũng thối nát. Lỗ hổng quyền sở hữu tư lợi cần phải được trám kín lại ở Mỹ để những kẻ xấu không thể lợi dụng điều này nhằm cất giấu tiền tại Mỹ mà không cần phải khai báo nguồn tiền thuộc về ai.


Các nỗ lực đa phương để truy vết tiền tệ từ các nguồn bất hợp pháp cần được củng cố, và Hoa Kỳ cùng đồng minh không nên e dè trong việc vạch trần tài sản trái phép và mạng lưới tham nhũng của các lãnh đạo lạm quyền.


Nỗ lực tái thống nhất thế giới tự do không thể tách khỏi những lo ngại an ninh của Hoa Kỳ về Nga. Thứ mà nước Mỹ và châu Âu cần, hơn bất kỳ chính sách riêng biệt nào, là một nỗ lực có hệ thống để tạo nên một hệ miễn dịch chống lại các can thiệp của phe chuyên quyền vào quy trình dân chủ. Cùng với việc hợp tác với các nền dân chủ trên khắp thế giới, Mỹ và châu Âu cần phải củng cố các thể chế của chính phương Tây để mang đến một tấm gương dân chủ kiên cường hơn, cũng như công khai tán thành những giá trị dân chủ. Điều này nên được mở rộng đến các tổ chức như NATO và Liên minh Châu Âu, giờ đây nên trở thành đồng minh của những nền dân chủ. Nếu các nước như Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nghiêng về sự phi dân chủ, họ nên bị cảnh cáo bằng lệnh trừng phạt hoặc trục xuất nếu cần.


Hoa Kỳ nên ngừng do dự trong việc lên án các hành vi vi phạm nhân quyền - dù chúng xảy ra trong phạm vi lãnh thổ các đồng minh Mỹ như ở Saudi Arabia, hay tại các cường quốc như Trung Quốc và Nga (những nước có bộ máy tuyên truyền không ngần ngại soi mói những vấn đề nội bộ của Mỹ). Washington nên tránh dùng những luật cấm vận phản tác dụng với Cuba và Venezuela; thay vào đó, nên sử dụng các công cụ hữu hiệu hơn như lệnh trừng phạt tập trung vào cá nhân phạm tội, không vào cả một quốc gia. Trong mọi hành động, Hoa Kỳ phải nhắm đến việc “nói và làm” đồng nhất với các quốc gia khác một cách tối đa, để xoa dịu các nỗi lo sợ tiềm tàng khi đến lúc các nước ấy lên án những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, hay sự “nuốt sống” quyền tự trị dân chủ tại Hong Kong.


Tinh thần đoàn kết tất yếu đó phải được phủ rộng lên cả lĩnh vực công nghệ. Các công ty mạng xã hội Mỹ, như Facebook, đã giúp truyền bá những thông tin sai lệch góp phần tàn phá các nền dân chủ toàn cầu. Hoa Kỳ nên bắt đầu kiểm soát các công ty như thế. Vấn đề này không liên quan đến việc giới hạn tự do ngôn luận, như cách các công ty này biện bạch; mà nó liên quan đến việc kiểm soát các thuật toán bị lợi dụng truyền tải các kiểu thông tin đầy hận thù và sai lệch, đủ để kích động mọi chuyện, từ sự suy sụp của gắn kết xã hội tại Mỹ cho đến thanh trừng sắc tộc ở Myanmar. Hoa Kỳ cũng phải theo bước Liên minh Châu Âu để kiến lập các luật bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt hơn.


Trump cùng Thái tử Mohammed bin Salmon của Saudi Arabia tại Osaka, Nhật Bản, tháng 6 năm 2019

Kevin Lamarque / Reuters


Cam kết thúc đẩy sáng chế của Mỹ sẽ được tăng tốc khi có nền dân chủ vững mạnh. Hoa Kỳ thật sự cần đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển ở chính nước mình, đặc biệt trong lúc thế giới đang sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng như cái gọi là “Internet của vạn vật” (“Internet of Things”) nhiều hơn. Trên phương diện toàn cầu, thay vì mắng nhiếc các quốc gia buộc phải dựa dẫm vào công nghệ của Trung Quốc, Hoa Kỳ nên hợp tác sâu rộng hơn với các đất nước đồng chí hướng để phát triển các hệ thống 5G và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như các cơ sở hạ tầng ảo thiết yếu. Tương tự, Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác nên hợp tác để phát triển các điều luật nhằm quản lý việc sử dụng những loại công nghệ trên, mở đường cho một loạt cuộc đàm phán đa phương mới với Trung Quốc, thay vì tiếp tục leo thang đối đầu song phương không hồi kết.


Từng ưu tiên ở trên gắn liền với bản sắc cốt lõi của Hoa Kỳ, là một đất nước trân trọng người nhập cư; tấm gương dân chủ của đất nước này không thể tách rời khỏi bản sắc là một quốc gia cầu tiến được tạo nên nhờ người ngoài cuộc, và có khả năng đột phá nhờ chào đón những cá nhân xuất sắc và tài năng nhất thế giới. Nhập cư bổ sung thêm cho lực lượng lao động tại Mỹ, làm phong phú xã hội này, thúc đẩy doanh nhân khởi nghiệp, gầy dựng các mối quan hệ toàn cầu, và thấm nhuần nước Mỹ với những cách nhìn phản ánh thế giới đa dạng ngoài kia. Vậy mà, chính quyền Trump lại đặt chuyện nhập cư vào cuộc chiến văn hóa có gốc rễ từ chủ nghĩa dân tộc da trắng - buông xuôi trách nhiệm đạo đức, hy sinh lợi ích từ nhập cư, và thúc đẩy những chính sách chống người tị nạn và chống nhập cư nhắm đến toàn bộ cư dân trên Trái Đất.


Chính quyền Biden nên đi theo hướng ngược lại. Họ nên gỡ bỏ những lệnh cấm đi lại đầy kỳ thị với người theo đạo Hồi, huỷ bỏ những đường biên giới và luật trục xuất vô nhân tính, và bổ sung nguồn lực để tiếp tục xây dựng hệ thống phê chuẩn quyền tị nạn. Những người nhập cư không có quyền sinh sống hoặc làm việc tại Mỹ nhưng đã ở đây một thời gian dài nên được cung cấp giấy tờ pháp lý thông qua quá trình đúng luật, thay vì mệnh lệnh hành pháp của tổng thống. Quá trình nhập cư hợp pháp và hiệu quả, cùng với chương trình giáo dục cho sinh viên quốc tế tại các trường đại học Mỹ là tài nguyên của quốc gia - và chúng nên được thực thi với tinh thần như vậy. Việc tái định cư những người tị nạn tại Mỹ nên quay trở lại mức mà chúng ta đã đạt được ở cuối nhiệm kì của Obama - tối thiểu 120,000 người mỗi năm.


Cuối cùng, mối lo ngại hàng đầu với an ninh của Mỹ chính là biến đổi khí hậu, và người dân Mỹ không thể tiếp tục ủng hộ việc chối bỏ việc nó có tồn tại, càng không thể coi như một vấn đề môi trường đơn giản. Trái Đất đang tiến dần tới tương lai khải huyền với nạn tăng nhiệt độ và dâng mực nước biển, phân chia dân số không đồng đều, khí hậu khắc nghiệt - những điều có thể khiến COVID-19 trông thật nhỏ nhoi. Khi ấy, tất cả những khó khăn về an ninh quốc gia mà nước Mỹ đang gặp phải - khủng bố, chính quyền tiểu bang bất lực, đấu tranh quyền lực, đại dịch, di cư hàng loạt - đều sẽ bị lãng quên.


Vậy mà nước Mỹ vẫn đang bị các quốc gia khác bỏ xa trong việc nỗ lực giới hạn mức tăng nhiệt độ ở mức 1.5 độ C vào cuối thế kỷ 21, việc làm mà các nhà khoa học cho là cần thiết. Thay vào đó, đội ngũ của Trump lại làm ngược lại: rút khỏi Thỏa thuận chung Paris và phá huỷ mọi luật kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nhiệm kỳ Obama. Lãnh đạo bang và các đơn vị thấp hơn đã giúp giảm nhẹ đi tổn hại, nhưng chỉ có chính quyền quốc gia mới có thể thúc đẩy việc chung tay hành động, cũng như chỉ có nước Mỹ mới có thể kêu gọi tất cả các quốc gia khác cùng đứng lên.


Vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Biden, nước Mỹ cần tham gia lại vào Thoả thuận chung Paris và bắt đầu xây dựng chiến dịch khống chế khí thải lớn nhất có thể. Sự tín nhiệm và hoài bão của nước Mỹ ở tầm thế giới sẽ dựa hoàn toàn vào việc nội bộ Mỹ hành động như thế nào. Bên cạnh việc quay trở lại và tiếp tục phát triển những quy định về môi trường của Obama, Biden nên đặt mục tiêu năm đầu tiên của mình là thành công thông qua các đạo luật về khí hậu và nguyên liệu. Với tinh thần quyết liệt trong việc xây dựng một Chính sách Xanh mới, những đạo luật này nên tập trung chính vào việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tận dụng năng lượng tái sử dụng được và điều tiết cũng như ứng phó với thay đổi khí hậu toàn cầu - đồng thời tạo cơ hội việc làm và phát triển hạ tầng trong những cộng đồng thiểu số.


Đối đầu thay đổi khí hậu cũng cần trở thành tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Obama đã tiến tới Thoả thuận chung Paris không chỉ qua đàm phán, mà còn do vấn đề biến đổi khí hậu được coi là ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong mọi mối quan hệ quốc tế song phương hay đa phương. Các bộ máy điều hành tiểu bang và các cơ quan khác đều cần ưu tiên vấn đề này trong quá trình hoạt động; cũng như cách Washington tiếp cận với những nhà nước khác, từ cấp tổng thống đến đại sứ quán. Điển hình là việc Washington nên cố gắng thuyết phục Bắc Kinh điều chỉnh kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường (Belt and Road Initiative) để trở nên phù hợp hơn với định hướng của Thoả thuận chung Paris; hay cố gắng hướng New Delhi tới việc làm theo những thoả thuận quốc tế và nhắc nhở Brazil bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon - ưu tiên hàng đầu của G-7, G-20 cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới.


Thành công trên tất cả các lĩnh vực này - dân chủ, công nghệ, nhập cư và môi trường - yêu cầu sự kết nối giữa lẫn nhau. Nếu như Washington không củng cố dân chủ và đẩy lùi phong trào dân tộc độc đoán, thì việc cùng chung tay hành động chống lại di cư, biến đổi khí hậu và đại dịch sẽ là bất khả thi. Quả thật, những đất nước đối phó với dịch bệnh kém nhất - như Brazil, Nga hay Mỹ - đều có một chính phủ thiên mạnh về chủ nghĩa dân tộc và cố gắng sử dụng công nghệ để cung cấp thông tin sai lệch, bôi xấu hình ảnh dân tộc thiểu số và làm ngơ trước thực trạng môi trường. Cũng không hề ngạc nhiên rằng sự sụp đổ của nền dân chủ Mỹ đang tạo đà phát triển cho sự thiếu dân chủ tại Trung Quốc. Giải pháp của vấn đề này không phải là tham gia một cuộc chiến tranh lạnh khác với Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà cần thực thi một dự án quốc gia mới để hồi sinh lại nước Mỹ và thúc đẩy hợp tác hành động trên toàn thế giới.


HƯỚNG VỀ MỘT CHỦ NGHĨA BIỆT LỆ MỚI

Mỹ cần phải thống nhất các kế hoạch chính trị với các chính sách đối ngoại và đối nội. Các phe cánh hữu ở Mỹ cũng như các nước khác đều công nhận rằng chính sách đối ngoại đều dựa vào các kế hoạch chính trị đối nội. Các phe cánh tả vẫn do dự không muốn hợp hai điều này làm một.


Ở Mỹ, sự do dự này làm cho mọi chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia có một cái nhìn sai lệch thiên về cánh hữu. Khuynh hướng này có nguồn gốc sâu xa, từ việc sụp đổ của nền an ninh quốc gia tự do sau Chiến tranh Việt Nam, đến chuyện Đảng Cộng hòa tung hô vai trò của mình trong việc chiến thắng Chiến tranh Lạnh, và sâu sắc nhất là trong thời kỳ hậu 11/9, các nhà lãnh đạo Mỹ luôn hành xử cứng rắn vì theo họ, đó là một đường lối đúng đắn. Chủ nghĩa ngoại lệ hiếu chiến và mù quáng của Mỹ được kích động mãnh liệt dưới thời George W. Bush với lệnh tra tấn tù nhân, quân sự hoá chính sách đối ngoại, và chiến tranh với Iraq. Thay vì thú nhận những thất bại trong chính sách đối ngoại, Đảng Cộng hòa vẫn ngoan cố đổ lỗi cho người khác, như việc ông Trump luôn vạch lá tìm sâu, từ ông Obama đến những người nhập cư đến phong trào chống phát-xít “antifa".


Đảng Dân chủ thì lại luôn đứng ở thế phòng ngự thái quá. Dưới thời Obama, sự do dự này đã tạo nên sự miễn cưỡng trong việc ủng hộ các luân lý của chính Đảng này mặc dù họ đã đứng về lẽ phải trong nhiều vấn đề. Nhà tù Guantánamo vẫn còn hoạt động 20 năm sau sự kiện 11/9, với phí tổn hàng triệu đô la cho mỗi tù nhân, vì nhiều đảng viên Dân chủ sợ bị cho là hèn nhát. Trong các cuộc tranh luận gay gắt về Hiệp ước Hạt nhân với Iran (JCPOA), rất nhiều đảng viên Dân chủ cảm thấy họ phải công khai bày tỏ thái độ diều hâu hiếu chiến và nêu lên những bất cập của Hiệp ước cũng như lên án Iran là một kẻ xấu. Cử tri sao có thể bầu cho những ứng cử viên ít hiếu chiến hơn khi họ bị lừa rằng Mỹ cần phải có một lập trường cứng rắn đối với Iran? Trong những tranh cãi về dân nhập cư và thay đổi khí hậu, quá nhiều đảng viên Dân chủ không muốn hay không thể đưa ra các lập luận tốt để thay đổi ý kiến dư luận.


Ông Biden theo dõi buổi nói chuyện của ông Obama về Hiệp ước Hạt nhân với Iran tại Washington, tháng 7, 2015

Adrew Hamik / Reuters


Những thất bại tệ hại của chính phủ Trump là một cơ hội tốt để loại bỏ tính thụ động này. Các đảng viên Dân chủ không phải do dự khi phản đối những kế hoạch sai lầm của ông Trump, chẳng hạn như việc hủy bỏ những hiệp ước kiểm soát vũ khí, và chi gần một tỉ đô la để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho vũ khí hạt nhân. Tại sao họ không cho dân Mỹ biết rằng số tiền này có thể dùng vào những chuyện khác và một cuộc đua vũ khí hạt nhân là điên rồ? Mặc dầu biết là mình đúng và được sự ủng hộ của dư luận quốc gia trên nhiều tranh cãi - chẳng hạn như chấm dứt lệnh cấm vận sai lầm và vô nhân đạo với Cuba - Đảng Dân chủ vẫn lo ngại họ sẽ làm mất lòng nhóm cử tri bảo thủ ở Miami. Từ đó vẫn duy trì những chính sách đặc thù và sai lầm đối với Cuba và Venezuela.


Đảng Cộng hòa luôn hiểu rằng thể hiện niềm tin sắt đá và tinh thần đấu tranh lúc nào cũng lôi kéo được nhiều người hơn là đường lối phi chính trị và thụ động. Tuy nhiên trong năm 2020 này, Đảng Cộng hòa đang lầm đường lạc lối với lý lẽ riêng của họ. Lời nói và hành động của Đảng Cộng hòa cho thấy họ phản bội các giá trị của nước Mỹ, săn đón kẻ địch, bị một nhà độc tài kém cỏi chinh phục và bị cuốn theo những tư tưởng chính trị bốc đồng. Đây là một cơ hội tốt cho Đảng Dân chủ củng cố bản thân và cho thấy họ là một tiền đồn bảo vệ các giá trị dân chủ, liên minh mạnh mẽ, và vai trò lãnh đạo của Mỹ, nếu họ nghiêm túc nhận lãnh vai trò đó.


Đảng Dân chủ cần có một tầm nhìn bao quát hơn. Trong thập niên qua, định hướng chính trị khuynh hữu của Đảng Cộng hòa đã bị hòa tan vào các phong trào cánh hữu ở Brazil, Hungary, Ba Lan, Nga, Anh và các nơi khác. Khắp phương Tây, các đảng cánh hữu sử dụng chung những nguồn lực tài chính, nền tảng truyền thông và thông tin sai lệch, chiến lược chính trị, và các nhà tư vấn. Khi trở thành tổng thống, ông Trump đã công khai ủng hộ cho sự nghiệp chính trị của những nhà độc tài cùng chí hướng với mình.


Phe cấp tiến không được dè dặt với cuộc đấu tranh có tầm vóc quốc tế này. Chính phủ Biden phải kiên quyết phản đối những chiến dịch nhằm biến đổi chính trị ở Mỹ và các nền dân chủ khác. Cũng như việc nhóm chủ nghĩa dân túy cánh hữu đã phê phán gay gắt chủ nghĩa tự do trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ Biden phải làm hết sức mình để cho mọi người thấy đây là những nguyên do chính của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay: các tập thể chủ nghĩa dân tộc cánh hữu trên thế giới không giải quyết được bất bình đẳng trong cơ cấu, tham nhũng, và những thất bại trong quản trị là mầm mống cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Mặc dù không phải muốn gì là có thể làm nấy, Đảng Dân chủ và phe cấp tiến Mỹ nên tìm kiếm sự hợp tác có hệ thống với những đối tác cùng chí hướng trên toàn thế giới. Phe cấp tiến ở Mỹ hoạt động về các vấn đề như quyền bầu cử, cải cách dân chủ, và công bằng chủng tộc nên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cấp tiến ở những nơi khác, học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau.


Để thành công, Đảng Dân chủ phải đề xuất ra một hình thức rõ ràng cho chủ nghĩa biệt lệ của Mỹ. Đây chính là sự khác biệt sâu sắc giữa hai đảng. Đối với Đảng Cộng hòa do ông Trump lãnh đạo, sức mạnh là trên hết. Niềm tin này được chứng minh qua ngân sách quốc phòng, việc sẵn sàng thay đổi chế độ, hoạt động dựa trên áp lực kinh tế và quân sự, và vai trò tiên phong của Mỹ trong một nền văn minh của người Kitô giáo da trắng. Niềm tin này đã thấm nhuần vào nước Mỹ và chủ nghĩa biệt lệ cố hữu của nó. Đối với những người Dân chủ, đặc biệt là những người cấp tiến, chính nghĩa là trên hết. Họ tin rằng nước Mỹ có khả năng thay đổi những khuyết điểm ở trong nước, là một nền dân chủ đa văn hóa chào đón người nhập cư, tôn trọng luật pháp, và tôn trọng phẩm giá của mọi người ở khắp mọi nơi. Niềm tin này là đạo đức căn bản cần thiết cho lãnh đạo quốc gia.


Đảng Dân chủ phải đề xuất ra một hình thức rõ ràng cho chủ nghĩa biệt lệ của Mỹ.

Vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc giữ gìn trật tự trên thế giới là một thành tựu lớn lao được kết hợp từ các yếu tố của hai thế giới quan này. Tuy nhiên, thời kỳ huy hoàng đó của Washington đã qua rồi. Những biến cố mùa hè rồi đã thức tỉnh người Mỹ và nước Mỹ giờ đây có cơ hội trồi lên từ sự suy thoái của một siêu cường quốc trong khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Ông Biden miêu tả viễn cảnh nhiệm kỳ tổng thống của ông như một cầu nối cho tương lai, một cơ hội để trở lại bình thường trong và ngoài nước, và trở thành một nước Mỹ khác. Nỗ lực đó phải bao gồm một trật tự toàn cầu mới, trong đó nước Mỹ nắm vai trò lãnh đạo mà không ra yêu sách, sống hòa đồng với mọi người, và chống lại bất bình đẳng toàn cầu thay vì tạo điều kiện cho nó phát triển.


Mục sư Martin Luther King, Jr., khi lên tiếng phản đối Chiến tranh Việt Nam và chống nghèo đói, đã từng cảnh báo rằng: ”Phân biệt chủng tộc, bóc lột kinh tế, và chiến tranh đều liên quan đến nhau." Những vấn đề đó vẫn tồn tại đến ngày nay. Đối đầu với nguy cơ hiện tại, nước Mỹ và thế giới cần có một phong trào và một tổng thống để đối mặt với những thử thách này, đồng thời mang công lý, bình đẳng và hòa bình đến mọi nơi.


Người dịch: Paul Nguyen, Cookie Duong, Tom Nguyen, Linh Pham

Biên tập: K.Tran & MK

Commentaires


bottom of page