top of page

Ý kiến: Coronavirus Phơi Bày Sự Xuống Dốc Của Mỹ

Nếu không cải thiện hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế và chính quyền thì nước Mỹ cũng sẽ giống như một nước đang phát triển trong vòng vài thập niên tới.


Noah Smith ngày 29 tháng 6, 2020


Translated from Bloomberg article COVID brings American decline out in the open.

Có lẽ nó sẽ trở nên tốt hơn từ đây? Nhiếp ảnh gia: David Paul Morris / Bloomberg


Sự thoái hoá của nước Mỹ đã bắt đầu từ những chuyện nhỏ mà chẳng ai để ý tới. Dân chúng lái xe ngang qua những công trường bỏ trống mà chẳng nghĩ tới tại sao không thấy thợ thuyền làm việc, rồi tại sao đường xá và cầu cống làm mãi không xong. Dân chúng cũng đã quen luôn cái lệ tránh nhà thương khi đau ốm vì sợ thấy những hoá đơn khổng lồ. Họ trả 6% huê hồng cho địa ốc mà không biết dân Úc chỉ trả 2%. Họ lầm bầm về thuế má cao, bảo hiểm mắc, đường xá đầy ổ gà, nhưng ít khi suy niệm rằng cuộc sống họ sẽ ra sao nếu họ được sống trong một hệ thống được cải thiện hơn.



Khi những người viết sách báo nói về sự thoái hoá của nước Mỹ, họ thường nói về uy quyền quốc tế - sự thăng tiến của Trung quốc và sự mạt vận của một nước Mỹ tối cao và đạo đức. Đối với đa số quần chúng Mỹ, những điều xa vời và trừu tượng đó chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống hàng ngày của họ. Nhưng những suy giảm về hiệu quả chung của các cơ quan Hoa Kỳ sẽ gây thêm chi phí và gánh nặng cho người dân. Và nếu nó dẫn đến sự mất niềm tin của các nhà đầu tư vào nước Mỹ, thì sự thiệt hại có thể lớn hơn nhiều.


Một cái giá phải trả tức thời nhất về sự thoái hoá của nước Mỹ - và một minh chứng linh hoạt nhất - là cách chống lại đại dịch coronavirus tệ hại của nước Mỹ. Những thất bại trong việc lãnh đạo là phổ biến và sự thảm khốc ở mọi cấp độ— từ tổng thống tới trung ương như Cơ Quan Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) và Cục Quản Lý Dược Phẩm và Thực Phẩm (FDA), đến các giới chức của tiểu bang và địa phương cả thảy đều lúng túng không biết làm thế nào để chống lại mối đe dọa sức khỏe quần chúng tệ hại nhất của thế kỷ. Và kết quả, nước Mỹ đang phải chịu đựng một sự gia tăng kinh khủng về các ca nhiễm ở các tiểu bang như Arizona, Texas và Florida trong khi các tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề từ ban đầu vẫn còn đang chống chọi với trận dịch. Các quốc gia như Ý mà xưa nay vẫn bị coi là có một chính phủ hỗn loạn và đã bị tổn thất nặng nề bởi trận dịch cũng đã vượt qua được cơn nguy kịch, trong khi nước Mỹ đã phá kỷ lục hằng ngày với số ca nhiễm và vẫn chưa thấy dấu hiệu thuyên giảm nào.


Một sự thất bại hoàn toàn trong việc ngăn chặn trận dịch mà hầu hết các quốc gia khác đã khống chế được sẽ có một cái giá kinh tế thực thụ cho người Mỹ, bởi vì những lo sợ về coronavirus sẽ khiến người dân trở lại cố thủ trong nhà và các doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại .


Mở cửa kinh tế trong sự sợ hãi

Những thay đổi về số thực khách cùng ngày năm trước


Ngoài sự âu lo về công việc và đời sống, trong nhiều tháng tiếp theo, người dân Mỹ giờ sẽ phải đối đầu với vô số hình ảnh của người dân Ý đi tung tăng ngoài phố trong khi chính họ lại phải co rúm trong nhà. Thật là một thực trạng đau lòng và khắc nghiệt của sự suy thoái quốc gia. Thậm chí tệ hơn, sự thất bại trong việc chống COVID ở Mỹ đã khiến cho dân Mỹ không còn được du lịch tự do vòng quanh thế giới nữa; ngay cả Âu Châu cũng dự tính cấm không cho người Mỹ nhập cảnh.


Nhưng hậu quả của sự suy thoái của Mỹ sẽ vẫn tồn tại sau khi coronavirus chấm dứt. Với giá nhà tăng vùn vụt, hạ tầng cơ sở và hệ thống giao thông sút kém, bạo lực súng ống, sự tàn bạo của cảnh sát, sự chia rẽ chính trị và chủng tộc, nước Mỹ không còn là thiên đường cho những người tài giỏi ở đó nữa. Có nghĩa là các công ty sẽ tìm những quốc gia khác ở Châu Âu, Châu Á hay những nơi nào khác có điều kiện sống tốt hơn để đầu tư, như vậy sẽ làm Mỹ mất đi nhiều công ăn việc làm, làm mức lương sụt giảm và bóp nghẽn mức tiêu thụ của địa phương, một nguồn động lực của nền kinh tế dịch vụ. Từ đó sẽ làm cho những xu hướng tồi tệ nhất về sự suy thoái của Mỹ càng trầm trọng hơn — tiền thuế thu nhập ít đi có nghĩa sự tan rã đô thị càng tăng, các chương trình giáo dục và an sinh xã hội sẽ phải bị cắt giảm. Các chính sách chống nhập cư sẽ làm mất đi nguồn tài nguyên nhân lực quan trọng nhất của Mỹ và làm suy yếu hệ thống đại học, một hệ thống đã phải chịu nhiều áp lực về cắt giảm ngân sách rồi.


Dường như mọi lợi thế kinh tế có hệ thống mà Mỹ đang sở hữu đều bị đe doạ. Trừ khi có một cú hích lớn để xoay chuyển tình thế — mở cửa cho di dân trở lại, duy trì các trường đại học nghiên cứu, giảm giá nhà cửa, giảm chi phí cơ sở hạ tầng, cải cách cảnh sát và khôi phục thẩm quyền cho nền công vụ — hậu quả có thể là hàng thập niên trì trệ hoặc ngay cả giảm sút mức sống căn bản.


Và mối nguy hiểm lớn nhất có thể là đây. Nước Mỹ đã từ lâu được hưởng cái gọi là đặc quyền thái quá của một trung tâm tài chính thế giới, với đồng đô la là cột trụ của hệ thống tài chính toàn cầu. Có nghĩa là nước Mỹ luôn có thể vay mượn tiền bạc với giá rẻ, và dân Mỹ có thể duy trì lối sống của họ thông qua hàng nhập khẩu giá rẻ. Nhưng nếu đủ nhà đầu tư — ngoại quốc hay trong nước — mất niềm tin vào sự hiệu quả tổng quát của Hoa Kỳ với tư cách là một quốc gia, những lợi thế đó sẽ tan biến.


Nếu các nguồn vốn bắt đầu lũ lượt rời khỏi Hoa Kỳ và đồng đô la, hệ thống tiền tệ sẽ sụp đổ và người Mỹ sẽ phải trả giá đắt đỏ cho mọi thứ từ xe hơi, đến TV, đến xăng nhớt, đến thực phẩm nhập cảng. Phân lời sẽ phải tăng lên nhằm chiêu dụ nguồn vốn trở lại, và cả nước có lẽ sẽ phải trải qua thời kỳ lạm phát suy thoái còn tệ hơn thời 1970. Những nội loạn quy mô chắc chắn sẽ xảy ra — trong trường hợp tệ nhất — nước Mỹ có thể sụp đổ như Venezuela.


Đây là những hậu quả phải tránh bằng mọi giá. Nhưng nó là những hậu quả không còn cách xa tầm với, nhờ vào sự tự mãn, kiêu ngạo và những ưu tiên đặt không đúng chỗ của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, và sự chia rẽ sâu sắc và không đội trời chung giữa các cử tri Mỹ. Nếu Hoa Kỳ đi từ một quốc gia giàu mạnh, một người khổng lồ cưỡi lưng thế giới, thành một quốc gia đang phát triển đầy rối loạn chỉ trong vài thập niên, thì nó sẽ là một trong những trường hợp ngoạn mục nhất về sự suy thoái của nền văn minh nhân loại trong lịch sử của thế giới. Mọi trí óc trong nước cần phải hướng tới công việc đảo ngược sự suy thoái và tái phục năng lực quốc gia.


Translation by Minhly Pham

Copy edits by Cookie Duong

Comments


bottom of page