Những đe dọa trừng phạt về đường ống Nord Stream 2 có ý nghĩa gì đối với Hoa Kỳ, Nga và Đức.
Shay Khatiri, ngày 17 tháng 7, 2020
Translated from The Bulwark article America First Means America Alone.
SASSNITZ, CHLB Đức - 19 tháng 10: Một công nhân đứng trước các đường ống nằm chồng chất tại cơ sở Nord Stream 2 tại Mukran trên đảo Ruegen ngày 19 tháng 10 năm 2017 tại Sassnitz, Đức. Nord Stream đang đặt một cặp đường ống ngoài khơi thứ hai ở biển Baltic giữa Vyborg ở Nga và Greifswald ở Đức để vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga đến Tây Âu. Một cặp đường ống ban đầu đã được khánh thành vào năm 2012 và cặp thứ hai sẽ hoàn thành vào năm 2019. Tổng cộng 50.000 ống hiện đang có trong tay tại Mukran, nơi họ nhận được một gói bê tông trước khi được vận chuyển ra biển. Nhà cung cấp năng lượng Nga Gazprom, có hội đồng quản trị được lãnh đạo bởi cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, sở hữu 51% cổ phần của Nord Stream. (Ảnh của Carsten Koall / Getty Images)
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố rằng các bên liên quan đến Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí lớn được xây dựng dưới nước từ Nga đến Đức, có thể bị trừng phạt. Động thái này nhằm trừng phạt Nga, nhưng nó có thể có tác động nghiêm trọng đến mối quan hệ của Hoa Kỳ và Đức.
Nord Stream 2 đã và đang là chủ đề tranh chấp đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Đức trong nhiều năm qua. Hoa Kỳ muốn kiềm chế Nga, và đường ống này có lợi cho tài chính của Nga; sản xuất năng lượng là nguồn thu nhập lớn nhất của Nga. Công ty năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga đang dẫn đầu dự án cho đường ống mới, tương tự như khi nó dẫn đầu dự án đường ống dưới nước Nord Stream một thập niên trước. Châu Âu càng nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga, Nga càng chiếm ưu thế trong các thị trường năng lượng tại châu Âu, và châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Nga. Dự án Nord Stream 2 đang đe dọa đến lợi ích của Mỹ ở châu Âu và an ninh quốc tế qua hai con đường: Đức và châu Âu nói chung phụ thuộc nhiều hơn vào Nga, và dự án này sẽ làm giàu thêm cho Nga.
Vào năm 2017, vì sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ năm 2016, quốc hội thông qua và Tổng thống Trump đã miễn cưỡng ký một đạo luật trừng phạt những ai hỗ trợ dự án Nord Stream. Các biện pháp trừng phạt chưa bao giờ thực sự được thực thi, nhưng, với thông báo của ông Pompeo, có thể sẽ có những thay đổi trong thời gian tới.
Cùng lúc này, nước Đức đang cực kỳ thiếu nhiên liệu. Đức phụ thuộc vào nhập khẩu hơn một nửa mức tiêu thụ năng lượng và vì nước này đang cố gắng tránh xa than đá gây ô nhiễm cao; khí đốt tự nhiên là một lựa chọn thay thế chính. (Hoa Kỳ đã thay đổi theo hướng tương tự trong vài năm qua.) Vì gần như không có dự trữ khí đốt, 94 phần trăm tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Đức đến từ nhập khẩu. Tình huống này mang lại những phức tạp, vì ba quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới là Nga, Iran và Qatar. Nga và Iran là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Qatar, mặc dù không bị Mỹ trừng phạt, nhưng chính phủ Qatar là một chính phủ tài trợ cho khủng bố (mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã chưa chính thức lên án như thế).
Mục tiêu của chính sách chính quyền Trump đưa ra trong việc kìm hãm dự án Nord Stream 2 là xác đáng, nhưng nó đang được thực thi một cách lủng củng.
Một minh chứng cho quan điểm trên, tin tức về lệnh trừng phạt Nga đến, ngay khi chính quyền Trump đang có kế hoạch rút quân ra khỏi Đức. Rõ ràng, khi đối xử với đồng minh thân cận này, chính quyền Trump chỉ toàn là gậy và không có cà rốt, nói cách khác, chỉ có phạt chứ không có thưởng.
Điều gì đã đưa Hoa Kỳ đến tình thế này? Đầu tiên, trong 18 tháng đầu tiên tại vị, chính quyền Trump đã không có một đại sứ Hoa Kỳ tại Đức. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi hai năm tiếp theo, khi ông Richard Grenell ở vị trí đó. Đầu nhiệm kỳ, ông Grenell đã trả lời phỏng vấn rất cởi mở trên trang web cực hữu, Breitbart, về mong muốn giúp các đảng cực hữu chống lại chính phủ Đức đương nhiệm. Điều đó, tất nhiên, làm mất lòng chính phủ Angela Merkel.
Chính quyền Trump, theo đuổi chủ nghĩa đơn phương đã không hỗ trợ cho đồng minh của mình. Chính quyền đã không đáp ứng một chút nào cho những yêu cầu của các đồng minh châu Âu: chính sách đối với Iran, quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương mà chính quyền Trump từ bỏ, hoặc nâng thuế nhập khẩu đối với châu Âu, bao gồm cả Đức. Cách tiếp cận lấp mặt này đã không còn chỗ cho sự thỏa hiệp hay thiện chí song phương. Thêm vào tất cả những điều trên là thái độ công khai thách thức chống lại các đồng minh và NATO của tổng thống Trump.
Hơn nữa, Đức có nhu cầu chính đáng để nhập khẩu khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, có một giải pháp khá đơn giản cho vấn đề này. Hoa Kỳ là nước xuất khẩu năng lượng thặng dư, nhờ phát minh của fracking và sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ tư thế giới. Chúng ta có thể thay thế Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu (bao gồm cả Đức). Đã có sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ sang châu Âu trong năm qua, nhưng cho đến nay, không có khí đốt nào sẽ đến Đức cho đến năm 2022. Nếu Hoa Kỳ muốn hạn chế khí đốt từ Nga đến Đức, họ nên đầu tư nhiều hơn trong việc xuất khẩu của riêng mình và chi tiêu nhiều hơn thúc đẩy việc xuất khẩu diễn ra sớm hơn, ngay cả khi ở mức giá rẻ do chính phủ trợ cấp. Điều này sẽ loại bỏ nhập khẩu của Nga nhanh hơn. Mặc dù động thái này có thể không lý tưởng nhất về mặt kinh tế, nhưng nó là một khoản đầu tư vào an ninh của quốc gia và quốc tế.
Chính quyền Trump không thể tiếp tục mong đợi sự trung thành hoàn toàn từ các đồng minh khi bản thân tiếp tục phong cách tiếp cận búa tạ của mình đối với vấn đề quản lý liên minh, ngược đãi những bạn bè quốc tế, đe dọa họ bằng các hình phạt, không bao giờ lắng nghe các yêu cầu của họ. Khẩu hiệu của Tổng thống Mỹ - Nước Mỹ Trước Tiên - rằng người Mỹ cần đặt lợi ích của mình lên trước lợi ích của người khác (như thể chúng ta chưa từng làm điều này). Vậy thì tại sao chúng ta lại giận dữ khi người Đức làm điều tương tự? Ngược lại với những gì H.R. McMaster và Gary Cohn đã nói trong những tháng đầu tiên của chính quyền, America First đích thực có nghĩa là nước Mỹ đang lẻ loi đứng một mình.
Shay Khatiri là một sinh viên tốt nghiệp ngành Nghiên cứu chiến lược tại Đại học Johns Hopkins, Nghiên cứu Quốc tế. Ông lớn lên ở Iran và di cư khỏi đất nước này vào năm 2011. Ông hiện đang xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Theo dõi ông ta @ShayKhatiri
Phỏng Dịch L. Tạ
Edit by Phố
Comments